
Liệu một cỗ máy thông minh nhân tạo có thể được cấp bằng sáng chế cho các phát minh của chính nó? Vào tháng 4 năm 2020, Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) đã ra phán quyết rằng chỉ “người thật” mới có thể được ghi nhận là người phát minh ra bằng sáng chế và một tòa án Mỹ đã quyết định hôm thứ năm rằng đúng vậy, đó là những gì luật quy định (theo Bloomberg).
Không phải quốc gia nào cũng đồng ý với hướng đi đó. Nam Phi và Australia quyết định đi theo hướng khác, cấp một bằng sáng chế và chấp nhận đơn đăng ký bằng sáng chế thứ hai do nhà nghiên cứu AI Steven Thaler đệ trình, người có hệ thống AI DABUS được cho là đã phát minh ra một loại đèn nhấp nháy và một loại hộp đựng thực phẩm mới. Thaler cũng là người đã kiện Mỹ về vấn đề này. Anh là thành viên của nhóm có tên Dự án nhà phát minh nhân tạo và đang vận động hành lang để chấp nhận phát minh của AI trên toàn cầu.
Đối với câu hỏi này trong tương lai, Thẩm phán Mỹ Leonie Brinkema cho biết: “Sẽ đến lúc trí tuệ nhân tạo đạt đến mức độ tinh vi để có thể đáp ứng các yêu cầu của quyền phát minh. Nhưng thời điểm đó vẫn chưa đến, và nếu có, nó sẽ tùy thuộc vào quyết định của Quốc hội. Nếu được thông qua thì luật bằng sáng chế sẽ được mở rộng phạm vi. ”